QuocHung's Blog

Con chợt thấy như mình lạc lõng…. Giữa chợ đời nghiệt ngã bon chen

Bài tham luận của 7 Hùng

Posted by QuocHung trên 27/09/2010

Sắp tới Đại lễ “1000 năm Thăng Long – Hà Nội”, nhân có bài tham luận của 7 Hùng trong Hội thảo khoa học “Văn học, Phật giáo với 1000 năm Thăng Long – Hà Nội”, được tổ chức ở Bình Dương cuối tháng 8 vừa rồi, nên đưa lên đây làm tài liệu:

Thăng Long – Hà Nội trong sáng tác của một số nhà văn dòng văn học yêu nước đô thị miền Nam (1954 – 1975)

Ảnh Uyên chụp Chùa Một cột
Từ lâu, Thăng Long – Hà Nội đã trở thành niềm tự hào to lớn, nỗi xúc cảm trào dâng trong tình cảm, tâm hồn của những người con đất Việt khi hướng về Thủ đô nghìn năm văn hiến.
Còn nhớ những vần thơ viết năm 1946 tại chiến khu Đ chứa chan nỗi nhớ cháy lòng của “thi tướng rừng xanh” Huỳnh Văn Nghệ (1914 – 1977), cũng là nỗi lòng chung của bao người con miền Nam hướng về đất Bắc:
Ai đi về Bắc ta đi với
Thăm lại non sông giống Lạc Hồng
Từ độ mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long
(Nhớ Bắc)

Thật vậy, kể từ khi Lý Thái Tổ chọn Thăng Long định đô năm 1010, Thăng Long – Hà Nội đã đi vào sáng tác của rất nhiều nhà văn và là nơi để họ kí thác tâm tư, tình cảm như Du Tây Hồ bát vịnh (Chơi Hồ Tây vịnh tám cảnh) của Nguyễn Mộng Tuân (? –   ?); Tây Hồ xuân oán (Nỗi oán xuân bên Tây Hồ), Tràng An xuân mộ (Chiều xuân ở Tràng An) của Thái Thuận (1441 – ?), cả hai đều sống ở thế kỉ XV; Vịnh Văn Miếu thi (Thơ vịnh Văn Miếu), Vịnh Văn Miếu bi thi (Thơ vịnh bia ở Văn Miếu), Khán Sơn tự thi (Thơ vịnh chùa Khán Sơn) của Trịnh Căn (1633-1709); Phong cảnh Tây Hồ, Tụng Tây Hồ phú của Nguyễn Huy Lượng (? – 1808); Thăng Long thành hoài cổ của Bà Huyện Thanh Quan (? – ?); Du Tây Hồ bát tuyệt (Tám bài tứ tuyệt chơi Hồ Tây) của Cao Bá Quát (1809 – 1854)… Mãi đến thời hiện đại, cả quãng thời gian dài hai mươi mốt năm chia cắt đất nước, Hà Nội luôn là nguồn cảm hứng của nhiều thế hệ văn nghệ sĩ. Tha thiết nhất vẫn là các nhà văn dòng văn học yêu nước đô thị miền Nam (1954 – 1975) sinh ra, lớn lên, hay có nhiều kỉ niệm gắn bó với miền Bắc như Trần Tuấn Khải, Vũ Bằng, Nguyễn Hiến Lê, Giản Chi, Lữ Phương, Thái Bạch, Đông Tùng, Nguyễn Trọng Văn, Nguyễn Nguyên, Thế Nguyên… Với họ, Hà Nội bao giờ cũng gợi lên những hoài niệm đẹp đẽ về một vùng đất có thiên nhiên bốn mùa tươi đẹp, có truyền thống lịch sử – văn hóa đầy tự hào.

1. Hoài niệm về thiên nhiên Thăng Long – Hà Nội,  thiên nhiên đặc trưng của miền Bắc thân yêu
Kể cũng khá lâu, từ khi xa Hà Nội vào Nam theo sự phân công của tổ chức, Vũ Bằng trong Tháng Giêng mơ về trăng rét ngọt (in trong tập kí Thương nhớ mười hai- 1972)(1) nhiều lần đã nói lên nỗi nhớ xốn xang về thiên nhiên mùa xuân Hà Nội, “có mưa riêu riêu, gió lành lạnh, có tiếng nhạn kêu trong đêm xanh, có tiếng trống chèo vọng lại từ những thôn xóm xa xa, có câu hát huê tình của cô gái đẹp như mộng… Người yêu cảnh, vào những lúc trời đất mang mang như vậy, khoác một cái áo lông, ngậm một ống điếu, mở cửa đi ra ngoài tự nhiên thấy một cái thú giang hồ êm ái như nhung và không cần uống rượu mạnh cũng nghe như lòng mình say sưa một cái gì đó – có lẽ là sự sống!”. Nhà văn còn gợi ý rằng: “Anh có thể đạp cỏ trên Hồ Gươm, đợi đến xẩm tối ra ngồi ở Thủy Tạ nhìn các cô gái đẹp như tiên mặc áo nhung, áo len trăm màu ngàn sắc, in bóng xuống đáy nước lung linh; anh có thể vào một nhà hát thưởng vài khẩu trống, “mở quả mứt” phong bao cho các chị em, rồi uống với mấy em một ly rượu “lấy may”; anh có thể đi vào một ngôi chùa khói nhang nghi ngút, đưa mắt nhìn xem có cô nào thực xinh thì quì ngay xuống bên cạnh cầu Trời khấn Phật cho cô càng đẹp và trong năm lấy được một người chồng xứng ý như… anh vậy ”. Và còn nhiều, rất nhiều cái đẹp khác nữa khiến “lòng người sầu xứ” dù đang hít thở cái “sinh khí tươi trẻ” của miền Nam vẫn không cảm thấy khuây khỏa được, “mà trái lại lại làm cho y rầu rĩ hơn, nhớ thương hơn những tháng giêng Bắc Việt đã qua rồi ”.
Nhớ cái Tết Hà Nội, Vũ Bằng không ngớt say sưa về những sọt thủy tiên. Bởi vì theo tác giả, “hễ cứ bao giờ nói đến chuyện thủy tiên thì lòng mẹ tôi cũng nao lên một niềm tưởng nhớ xa xôi. Ấy là mẹ tôi nhớ đến thày tôi vậy. Bây giờ ngồi nghĩ lại quãng thời gian đó xa lắm rồi; nhưng tôi vẫn không thể quên được những ngày gần Tết, hồi tôi còn nhỏ, không năm nào mẹ tôi không mua ở Hàng Buồm về mấy sọt thủy tiên”. Và hồi ức ông luôn hiện lên hình ảnh: “Thày tôi mê gọt lắm, mất ăn mất ngủ vì thủy tiên, sinh ra ốm, ra đau vì thủy tiên”. Nhất là khi, “không một lúc nào hai cuộc thi thủy tiên ở đền Bạch Mã và Ngọc Sơn không ám ảnh đầu óc thày tôi(2).
Chỗ này ở đâu vậy Uyên? Bánh Tôm Hồ Tây phải không?

Mỗi mùa mỗi nét đẹp riêng như vậy đã gắn liền với kí ức sâu đậm trong lòng người xa xứ về Hà Nội, vùng đất tiêu biểu cho miền Bắc yêu thương.

Đến đây, có lẽ cần phải nói thêm rằng, Hà Nội – như tên gọi của nó – là thành phố “bên trong những con sông”. Vì thế, những kí ức về Hà Nội xa xưa bao giờ cũng pha lẫn với vẻ đẹp mộc mạc, bình dị của những làng quê đồng bằng, tạo nên những đặc trưng mà không phải thành phố nào trên thế giới cũng có được.

Cầu Thê Húc Hồ Hoàn kiếm
Kín đáo nói lên nguyện vọng thống nhất đất nước của nhân dân hai miền Nam – Bắc, nỗi nhớ Thăng Long – Hà Nội, nhớ miền Bắc thân yêu xuất hiện trong khá nhiều sáng tác của các nhà văn đô thị miền Nam sau 1954. Quê Bình Định nhưng gắn bó lâu dài với miền Nam, Lê Vĩnh Hòa trong truyện ngắn Bên rặng tre già(3) đã miêu tả thật xúc động nỗi lòng của anh Dần từ miền Bắc vào Nam sinh sống. Cứ mỗi khi chiều xuống, những buổi chiều lặng lẽ trên sông vắng, lòng người dân chài như anh lúc nào cũng dâng lên nỗi nhớ da diết mảnh đất quê hương. May thay, hình ảnh “Đọt tre ẻo lả, tiếng kẽo kẹt êm đềm” gặp được trên bước đường xa quê đã xoa dịu phần nào trong anh nỗi nhớ da diết mảnh đất quê hương. Càng trân quý hơn, nỗi nhớ ấy đã tìm thấy sự đồng cảm ở anh Năm Theo mỗi khi người nông dân đất Đồng Nai này nhớ lại: “mười mấy năm về trước mình cũng đã ngồi y như vậy nơi đất lạ quê người”. Và một lời mời thốt ra từ mối quan hệ giống nòi nghe sao mà mát ruột mát lòng: “Anh Hai! Anh Hai à! Chưa đi chài ghé lên bờ uống nước, nói chuyện chơi cho đỡ buồn, ở đâu cũng bà con hết mà, đừng ngại…”. Rõ ràng trong tình cảm, tâm hồn con người Việt Nam, tình yêu thiên nhiên, xóm làng, quê hương lớn dần lên thành tình yêu đất nước, dân tộc gắn liền với nhận thức “Bắc Nam là một”. Đúng như Viễn Phương đã viết:
Kể từ sóng gợn Cửa Tùng
Quê tôi mơ cảnh tương phùng Bắc Nam
Những chiều bạc sóng Trường Giang
Lắng nghe tiếng hát buồn ngân cuối ghềnh:
Hò ơ… Phải chi ta hóa được con thuyền
Ra sông Bến Hải để nối liền Bắc Nam…
2. Thức nhận về một không gian lịch sử – văn hóa truyền thống đầy tự hào
Dù sống và viết trong một giai đoạn cực kì khó khăn, nguy hiểm bởi sách lược đàn áp, khủng bố của chính quyền Sài Gòn trước năm 1975, các nhà văn dòng văn học yêu nước đô thị miền Nam bằng mọi cách có thể đều cố gắng đem đến cho người đọc sự nhận thức, lí giải về những vấn đề gắn liền với lịch sử – văn hóa dân tộc nói chung, với không gian lịch sử – văn hóa truyền thống đầy tự hào của Thăng Long – Hà Nội nói riêng.
Lý Chánh Trung, một ngòi bút với nhiều bài bút kí chính luận nổi tiếng, đã từng nêu lên quan niệm:
Xác của một dân tộc là lãnh thổ, dân số, là cơ cấu nhà nước, tức là tất cả cái phần thực thể hũu hình để được gọi là một quốc gia. Hồn của một dân tộc chính là lịch sử và văn hóa.
Lịch sử là chuỗi ký ức tập thể, nhờ đó một dân tộc ý thức được nguồn gốc của mình và sự trường tồn, lớn mạnh của mình trong thời gian.
Nhờ văn hóa, dân tộc mới ý thức chính nó như là một thực tại duy nhứt không thay thế được trên trái đất này.
(Văn hóa, võ khí bảo vệ dân tộc)(5)
Thật vậy, lịch sử và văn hóa luôn là linh hồn, là cách khẳng định thuyết phục sự tồn vong của một dân tộc, nhất là khi dân tộc ấy đang đứng trước làn sóng xâm lăng về văn hóa của kẻ thù xâm lược. Trong một bài thơ được rất nhiều độc giả yêu thích – Một thế kỉ mấy vần thơ(6), Truy Phong đã không quên nhắc đến dấu mốc của một thế kỉ anh dũng và đau thương mà dân tộc ta vừa mới trải qua:
Một ngàn chín trăm năm sáu (1956)
Một ngàn tám trăm sáu hai (1862)
Giật mình bấm đốt ngón tay
Trăm năm một giấc mộng dài hãi kinh!
Rồi nhớ lại những ngày:
Thành Đà Nẵng tan hoang vì đại bác
Xác anh hùng Đình Lý hóa tro bay!
Giữ Gia Định, Duy Ninh liều mạng thác
Ôm quốc kì tuẫn tiết giữa trùng vây!
Phan Thanh Giản nuốt hờn pha thuốc độc
Bởi xâm lăng bắt nhượng nước non này!
Và kinh thành Thăng Long khi ấy:
Và Thăng Long máu hòa ba lớp đất
Thất Kinh thành, Hoàng Diệu ngã trên thây!…
Nhà thơ khẳng định mạnh mẽ:
Hà Nội kinh thành trang chiến sử
Sài Gòn đô thị rạng anh tài.
Việt Nam nước của tôi:
Già như trẻ
Gái như trai
Chết thì chịu chết
Không cúi lòn ai!

Lăng Bác nhìn từ xa

Không ngừng bày tỏ tình cảm yêu mến, tự hào của người dân phương Nam với vùng văn hóa Thăng Long – Hà Nội, ở một số truyện ngắn “ít nhiều mang tính tự truyện, cũng chứa đựng một mảnh tâm sự riêng, một chút kỉ niệm riêng sâu sắc, ngọt ngào” (Trần Hữu Tá)(7), Võ Hồng đưa người đọc trở về không gian Hà Nội thời Pháp – Nhật chiếm đóng trước năm 1945 với những ngôi trường, con phố, nhà trọ, những bạn bè cùng lứa, cả những mối tình dang dở khó quên của thời học sinh trung học. Đó là hình ảnh của nhân vật “tôi” cùng bạn Hoàng Gia Lý trong Hoài cố nhân(8) quen nhau từ thuở cùng học bậc tiểu học ở trường tỉnh tận Sông Cầu (Phú Yên). Vậy mà bẵng đi mấy năm, dù thật bất ngờ, cả hai lại có dịp ngồi trên “Hai chiếc xe cao su đưa chúng tôi về nhà trọ ở phố Sinh Từ. Lý bàn ngay đến việc học. Anh quyết định xin vào học lớp Seconde (tương đương lớp 11 thời nay – Chú thích của tác giả) trường Thăng Long”. Việc học hành đan cài với câu chuyện tình ngang trái của hai người yêu nhau: Lý và Xuân. Rồi “Chiến tranh mỗi ngày mỗi tràn lấn sang Việt Nam, đã đến giai đoạn phi đội Mĩ chiếu cố đến các căn cứ quân sự Nhật ở Việt Nam, thả bom trúng đích hơn và thường xuyên hơn. Sài Gòn bị ném bom. Hà Nội bị ném bom”. Thế là, mỗi người mỗi ngả. Kẻ còn, người mất. Theo thời gian, tất cả giờ chỉ là kỉ niệm. Cũng như nhiều người, nhân vật “Tôi đâu có nhiều thì giờ để năng nhớ đến Lý. Chỉ thỉnh thoảng khi nào mở sách ra là lòng lại bồi hồi nhớ đến người bạn xưa”. Câu chuyện phảng phất nỗi buồn nhưng làm cho người đọc càng thêm tin yêu vào cuộc sống và con người. Phải chăng đó là lí do để Võ Hồng nhớ đến một thời gắn bó với Hà Nội xưa? Cũng là cách để nhà văn thể hiện tình cảm đối với Hà Nội trong hoàn cảnh Nam – Bắc chia cắt lúc bấy giờ?

Với Nguyễn Văn Xuân, “nhà Quảng học” (theo cách gọi của Dương Trung Quốc), thì “chắc chắn Hà Nội đã từng là nơi nuôi dưỡng khát vọng văn chương của ông lúc còn rất trẻ. Đó là lúc mà chàng trai 17 tuổi từ xứ Quảng gửi bài báo đầu tiên ra cho tờ báo “Dân” ở Hà Nội; rồi năm sau là truyện ngắn đầu tay của ông “Bóng tối và Ánh sáng” được tờ Tạp chí “Thế Giới” cũng ở Hà Nội tặng giải nhất(9). Tuy sự nghiệp văn chương đều dành trọn cho xứ Quảng quê hương, nhưng không vì thế mà cái nhìn của Nguyễn Văn Xuân không vượt ra khỏi biên giới “Quảng Nam quốc”. Trong công trình khảo luận Khi những lưu dân trở lại, nghiên cứu “Văn nghệ miền Bắc di chuyển vào Nam và tại sao văn học miền Nam căn bản là nói và trình diễn”, ở chương V: “Một thời mới”, ông đã có những liên hệ đến văn hóa nói chung, và cho rằng:
Có lẽ bất kì quốc gia lớn lao nào hễ có kinh đô ở miền Bắc (mà phần lớn quốc gia kinh đô nằm ở miền Bắc) thì văn hóa tập trung ở đó rồi mới chuyển lần về phương Nam. Danh ngôn phương Tây có câu “Ánh sáng đến từ phương Bắc”. Nhưng khi ánh sáng của phương Bắc bớt tỏa rạng và phương Nam đủ  sức vùng vẫy thì nó tự thường phát sinh nền văn nghệ lớn mạnh, ảnh hưởng lại phương Bắc(10).
Những ý kiến trên không phải không có cơ sở khi đối sánh với sự phát triển của văn hóa nước ta, trong đó có phần rất quan trọng là văn hóa Thăng Long – Hà Nội trong nhiều thế kỉ đã qua.
Đi tìm những liên hệ với Thăng Long – Hà Nội trong sáng tác của các nhà văn dòng văn học yêu nước đô thị miền Nam (1954 – 1975) quả thật không dễ dàng khi bản thân họ thường xuyên phải sống trong sự theo dõi, truy bức của chính quyền Sài Gòn suốt hai mươi mốt năm dài chia cắt đất nước. Mặc dù vậy, trong những tháng năm của cao trào chống Mĩ cứu nước trên cả hai miền Nam – Bắc, hơn lúc nào hết ba tiếng: Huế – Sài Gòn – Hà Nội đã sớm trở thành tiếng gọi thiêng liêng của những người con yêu nước. Trần Quang Long trong tập thơ Thưa mẹ, trái tim đã xúc động bày tỏ:
Huế ơi, Huế đẹp không riêng Huế
Hà Nội, Sài Gòn tiếng hát chung
(Huế ơi)(11)
Trong thơ Ngô Kha, hào khí Thăng Long vẫn ngùn ngụt trào dâng cùng những lời kêu gọi:
Có nghe chăng máu chảy từng giờ
Sao hôm nay
Chẳng trỗi dậy lời ca
Đốt lửa lên cho hồng hào phố xá
Người đã nói Việt Nam ta lớn mãi
Sao vẫn ngồi trong ngục tối cùm gông
Ta nghe từng đoàn người ngựa Thăng Long
Đang phá vỡ trùng vây đập tan quân cướp nước
(Cho những người nằm xuống)(12)
Rõ ràng, không gian thiên nhiên, không gian lịch sử – văn hóa Thăng Long – Hà Nội tươi đẹp, giàu truyền thống mãi mãi là phần tâm hồn, tình cảm, là máu thịt không thể tách rời của mọi người dân đất Việt khi hướng về miền Bắc thân yêu. Thăng Long – Hà Nội chính là trái tim của Tổ quốc Việt Nam, của sự sống dân tộc Việt Nam. Trong những thời kì chiến tranh chống xâm lược đã qua, Thăng Long – Hà Nội luôn là ngọn cờ cổ vũ, thôi thúc dân tộc ta tiến lên. Trong từng thời kì hòa bình xây dựng đất nước, Thăng Long – Hà Nội mãi là niềm tự hào về những thành quả đạt được, góp phần làm nên diện mạo của Thủ đô nghìn năm văn hiến hôm nay. Hướng đến đại lễ kỉ niệm “1000 năm Thăng Long – Hà Nội”, bài viết này chỉ là đóng góp bước đầu trong việc khảo sát, nghiên cứu những sáng tác viết về Thăng Long – Hà Nội của một số nhà văn dòng văn học yêu nước đô thị miền Nam (1954 – 1975).
=================================================
CHÚTHÍCH:
(1) Vũ Bằng (1972), “Tháng Giêng mơ về trăng non rét ngọt”, in trong Nhìn lại một chặng đường văn học, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 2000, tr. 150-159.
(2) Vũ Bằng (1970), “Ăn Tết thủy tiên”, Vũ BằngTruyện ngắn chọn lọc, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2003, tr. 427-448.
(3) Lê Vĩnh Hòa (1957), “Bên rặng tre già”, Lê Vĩnh Hòa – Tuyển tập, NXB Tổng hợp Hậu Giang – NXB Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 1986, tr. 115-120.
(4) Viễn Phương (1956), “Tiếng hát quê hương tôi”, in trong Nhìn lại một chặng đường văn học, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 2000, tr. 735-736.
(5) Lý Chánh Trung (1970), “Văn hóa, võ khí bảo vệ dân tộc”, in trong Nhìn lại một chặng đường văn học, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 2000, tr. 912-923.
(6) Truy Phong (1956), “Một thế kỷ mấy vần thơ”, in trong Nhìn lại một chặng đường văn học, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 2000, tr. 708-712.
(7) Trần Hữu Tá (2003), “Lời giới thiệu”, in trong Tuyển tập Võ Hồng, NXB Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh – Trung tâm Nghiên cứu quốc học, 2003, tr. 7.
(8) Võ Hồng, “Hoài cố nhân”, Tuyển tập Võ Hồng, NXB Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh – Trung tâm Nghiên cứu quốc học, 2003, tr. 9-45.
(9) Dương Trung Quốc, “Lời bạt – Nhà Quảng học”, in trong Tuyển tập Nguyễn Văn Xuân, NXB Đà Nẵng, 2002, tr. 1001-1008.
(10) Nguyễn Văn Xuân (1967), “Khi những lưu dân trở lại”, in trong Tuyển tập Nguyễn Văn Xuân, NXB Đà Nẵng, 2002, tr. 534-658.
(11) Trần Quang Long (1975), “Huế ơi”, in trong Viết trên đường tranh đấu, NXB Thuận Hóa, Huế, 2005, tr. 62-66.
(12) Ngô Kha (1972), “Cho những người nằm xuống”, in trong Viết trên đường tranh đấu, NXB Thuận Hóa, Huế, 2005, tr. 117-124.
TS. Phạm Thanh Hùng (Khoa Sư phạm, Đại học An Giang)

Tham luận này đăng ở website trường ĐH KHXH&NV và website Đạo Phật ngày nay

Bé Uyên ghé thăm Bác Hồ

Uyên chụp Đền Quán Thánh
Trong khuôn viên Lăng

9 bình luận to “Bài tham luận của 7 Hùng”

  1. QuocHung said

    Sơ lược các tên gọi Thăng Long – Hà Nội

    Thăng Long – Hà Nội là kinh đô lâu đời nhất trong lịch sử Việt Nam. Trước khi trở thành kinh đô của nước Đại Việt dưới triều Lý (1010), mảnh đất địa linh nhân kiệt này đã từng là trọng trấn của phong kiến phương Bắc (nhà Tùy 581-618, nhà Đường 618-907).

    Từ khi hình thành cho đến nay, Thăng Long-Hà Nội có nhiều tên gọi khác nhau được chép trong sử sách Nhà nước Việt Nam:

    1 – Long Đỗ: Truyền thuyết kể rằng, lúc Cao Biền nhà Đường, năm 866, đang đắp thành Đại La, phát hiện thần nhân hiện lên tự xưng là thần Long Đỗ. Do vậy, sử sách thường gọi Thăng Long là đất Long Đỗ.

    2 – Tống Bình: Tống Bình là tên đất trị sở của thế lực đô hộ phương Bắc thời Tùy (581-618), Đường (618-907). Trước đó, trị sở đô hộ phương Bắc đóng ở vùng Long Biên (tức Bắc Ninh ngày nay), đến đời Tùy, mới chuyển đến Tống Bình.

    3 – Đại La: Theo kiến trúc xưa, kinh đô bao giờ cũng có “tam trùng thành quách”: trong cùng là Tử cấm thành (bức thành màu đỏ tía) nơi vua và hoàng tộc ở, giữa là Kinh thành và ngoài cùng là Đại La thành.

    Năm 866, Cao Biền bồi đắp cho Đại La thành rộng và vững chãi hơn trước. Từ đó, có tên gọi thành Đại La. Bởi thế, trong Chiếu dời đô của vua Lý Thái Tổ (1010) có viết: “… Huống chi thành Đại La, đô cũ của Cao Vương (tức Cao Biền) ở giữa trời đất…”.

    4 – Thăng Long:
    Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép: “Mùa thu, tháng 7 năm Canh Tuất (1010), vua từ thành Hoa Lư dời đô ra Kinh phủ thành Đại La, tạm đỗ thuyền dưới thành, có rồng vàng hiện lên ở thuyền ngự, nhân đó đổi tên thành gọi là thành Thăng Long”. Đây là tên gọi có tính văn chương nhất, gợi cảm nhất trong các tên về Hà Nội.

    5 – Đông Đô: Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép: “Mùa hạ tháng 4 năm Đinh Sửu (1397) lấy Phó tướng Lê Hán Thương (tức Hồ Hán Thương) coi phủ đô hộ là Đông Đô”.
    Trong “Khâm định Việt sử thông giám cương mực” có giải rõ: “Đông Đô tức Thăng Long, lúc ấy gọi Thanh Hóa là Tây Đô, Thăng Long là Đông Đô”.

    6 – Đông Quan:
    Quan quân nhà Minh gọi Thăng Long là Đông Quan với hàm nghĩa kỳ thị Kinh đô của nước ta chỉ được ví là “cửa quan phía Đông” của Nhà nước phong kiến Trung Hoa. Theo sử sách, năm 1408, quân Minh sau khi đánh bại cha con Hồ Quý Ly đã đóng đô ở thành Đông Đô, đổi tên thành Đông Quan.

    7 – Đông Kinh: Thời Lê, vì Thanh Hóa có Tây Đô, cho nên gọi thành Thăng Long là Đông Kinh.

    8 – Bắc Thành:
    Đời Tây Sơn (1787-1802) vì kinh đô đóng ở Phú Xuân (Huế), nên gọi Thăng Long là Bắc Thành.

    9 – Thăng Long: Năm 1802, vua Gia Long quyết định đóng đô ở Phú Xuân (Huế), không ra Thăng Long. Tên Thăng Long đã có từ lâu đời, nên Gia Long thấy không tiện bỏ đi, vẫn giữ tên Thăng Long, nhưng đổi chữ Long là Rồng thành chữ Long là thịnh vượng, lấy cớ rằng rồng là tượng trưng cho nhà vua, nay vua không ở đây thì không được dùng chữ Long là rồng.

    Việc thay đổi nói trên xảy ra năm 1805.

    10 – Hà Nội:
    “Năm 1831, vua Minh Mạng đem kinh thành Thăng Long cũ hợp với mấy phủ huyện xung quanh như huyện Từ Liêm, phủ Ứng Hòa, phủ Lý Nhân và phủ Thường Tín lập thành tỉnh Hà Nội, lấy khu vực kinh thành Thăng Long cũ làm tỉnh lỵ của Hà Nội”.

    Ngoài những tên chính quy được chép trong sử sách do các triều đại phong kiến Nhà nước Việt Nam đặt ra, Hà Nội còn có những tên gọi không chính quy được dùng trong văn thơ, ca dao… như:

    1 – Trường An (Tràng An): Trường An là tên kinh đô của hai triều đại phong kiến thịnh trị vào bậc nhất của Trung Quốc. Tiền Hán (206 trước Công nguyên-8 sau Công nguyên) và Đường (618-907), được các nhà Nho nước ta sử dụng như một danh từ chung chỉ kinh đô, thí dụ:

    Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
    Dẫu không thanh lịch cũng người Trường An.
    Chữ Trường An ở đây chỉ kinh đô Thăng Long.

    2 – Phượng Thành (Phụng Thành): Đầu thế kỷ 16, Trạng nguyên Nguyễn Giản Thanh, người Bắc Ninh, viết bài phú Nôm nổi tiếng “Phượng Thành xuân sắc phú” tả cảnh sắc mùa xuân ở thành Phượng tức thành Thăng Long đời Lê. Phượng Thành hay Phụng Thành được dùng trong văn học nước ta để chỉ thành Thăng Long.

    3 – Long Biên: Long Biên vốn là vùng đất phát triển của nước ta, là nơi quan lại nhà Hán đóng nhiệm sở ở Giao Châu (tên nước ta lúc bấy giờ).

    4 – Long Thành: Long Thành là tên viết tắt chỉ kinh thành Thăng Long. Nhà thơ Ngô Ngọc Du, sau chiến thắng Xuân Kỷ Dậu (1789) có viết bài Long Thành quang phục kỷ thực ghi chép việc khôi phục Long Thành tức thành Thăng Long thời Tây Sơn.

    5 – Hà Thành: Tên Hà Thành được dùng nhiều trong thơ ca để chỉ Hà Nội như bài Hà Thành chính khí ca của Nguyễn Văn Giai, Hà Thành hiểu vọng của Ba Giai, v.v…
    6 – Hoàng Diệu: Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhiều bài báo đã sử dụng tên Hoàng Diệu để chỉ Hà Nội, tưởng nhớ đến tấm gương lẫm liệt của vị tổng trấn Hoàng Diệu.

    Thực ra, còn nhiều từ được dùng trong dân gian để chỉ Thăng Long-Hà Nội như: Kẻ Chợ (Khéo tay hay nghề, đất lề Kẻ Chợ); Kinh Kỳ (Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì phố Hiến). Thượng Kinh (Chẳng thơm cũng thể hoa nhài, Chẳng lịch cũng thể con người Thượng Kinh)…

    (Theo Báo QĐND)

    Xem thêm: Những tên gọi của Hà Nội qua các thời kỳ lịch sử
    ======================

    Thủ đô (hay hà Nội) không chỉ có 1000 năm tuổi ! – Phan Dương

    Sách Ðại Việt sử ký toàn thư cho biết lý do hình thành tên gọi này như sau: “Mùa thu, tháng 7 năm Canh Tuất (1010) vua Lý Công Uẩn từ thành Hoa Lư, dời đô ra Kinh phủ thành Ðại La, tạm đỗ thuyền dưới thành, có rồng vàng hiện lên ở thuyền ngự, nhân đó đổi tên thành kinh đô Thăng Long (Rồng bay lên) (Toàn thư, Tập I, H, tr 241). Như vậy, đến năm nay- 2010, Hà Nội kỷ niệm 1000 năm cố đô Thăng Long hay gọi tắt 1000 năm Thăng Long mới chính xác.

    Còn lịch sử thủ đô Hà Nội qua các thời kỳ đã có từ thời phong kiến phương Bắc năm 581, hay theo một số sách lịch sử đã có từ năm 208 trước Công nguyên, thời Thục An Dương Vương, Hà Nội đã được chọn làm Kinh đô (nay là Thủ đô).

    Như vậy, chí ít ra thủ đô Hà Nội ngày nay đã qua 1000 năm lâu lắm rồi.

    Về tên gọi Hà Nội, sách Lịch sử thủ đô Hà Nội cho biết:

    “Năm 1831, vua Minh Mạng đem kinh thành Thăng Long cũ hợp với mấy phủ huyện xung quanh như huyện Từ Liêm, phủ Ứng Hoà, phủ Lý Nhân và phủ Thường Tín lập thành tỉnh Hà Nội, lấy khu vực kinh thành Thăng Long cũ làm tỉnh lỵ của Hà Nội”. (Trần Huy Liệu (chủ biên).
    Lịch sử thủ đô Hà NỘI. H. 1960, TR 82).

    Như vậy, để kỷ niệm tên gọi Hà Nội 1000 năm phải tới năm 2831, nghĩa là còn 821 năm nữa.

  2. Bé Uyên said

    Dạ cậu 5 ơi, giờ con mới xem thấy câu hỏi của cậu, hihi. Con nhớ cái cảnh đó là chụp ở bờ Hồ Tây, nhưng ở một góc khác, nhìn ra chùa Trấn Quốc.

    • QuocHung said

      Vậy là đúng rồi Uyên,

      Bánh tôm Hồ Tây đối diện chùa Trấn Quốc đó. Nói BT Hồ Tây chứ nó nằm bên Hồ Trúc Bạch đi qua đường Cổ Ngư mới là Hồ Tây. Map nè:

  3. Trong bài tham luận này có nói tới bài “Tụng Tây Hồ phú” của Nguyễn Huy Lượng làm em nhớ tới bài “Chiến tụng Tây Hồ Phú” của “Chiêu Lì” Phạm Thái(để đối lại bài phú “Tụng Tây Hồ” của Nguyễn Hữu Lượng). Trong “Tiêu Sơn tráng sĩ” (tiểu thuyết dã sử của cố nhà văn Khái Hưng) Phạm Thái đã có câu nói nổi tiếng: “Ô hô, chí lớn trong thiên hạ không chứa đầy một hồ rượu, chí lớn trong thiên hạ không chứa đầy đôi mắt mỹ nhân”. Chúc anh luôn khỏe.

    Việt Thái (bạn của Thúy Huệ)

  4. thanh thảo said

    Anh Thái viết:
    Ô hô, chí lớn trong thiên hạ không chứa đầy một hồ rượu, chí lớn trong thiên hạ không chứa đầy đôi mắt mỹ nhân”.

    Than ôi! rượu thôi cũng đủ chết chìm, còn có mỹ nhân chi để các đấng mày râu ngụt lặn không thoát ra được.
    Anh Hùng, em lang thang vào đây gặp anh họ em (anh Thái) phụ họa với ảnh cho vui. Chúc anh có ngày cuối tuần vui vẻ bên người thân anh nha!
    Thảo (bạn của Tám dẹp)

  5. thailv said

    Tấm ảnh anh post còn thiếu Út Huệ nữa. biết nhà anh rồi em sẽ vào thăm thường xuyên

Bình luận về bài viết này