QuocHung's Blog

Con chợt thấy như mình lạc lõng…. Giữa chợ đời nghiệt ngã bon chen

Chào lớp một – Bút Lông

Posted by QuocHung trên 28/09/2010

Cải tổ giáo dục bắt đầu từ đây!

Nhiều người đang chờ đợi buổi lễ mang tên Chào lớp một sẽ diễn ra tại Hà Nội vào ngày 27-9, do NXB Tri Thức cùng L’Espace – (Trung tâm Văn hoá Pháp tại Hà Nội) thực hiện.

Chờ đợi vì buổi lễ đó sẽ ra mắt một bộ sách giáo khoa (SGK) lớp Một mới, gồm các cuốn tiếng Việt, Văn, Lối sống, Tin học, tiếng Anh. Một lý do khác để chờ đợi là vì bộ sách này được cho là công trình kế thừa những thực nghiệm từ hệ thống Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại, người nhận Giải thưởng Phan Châu Trinh 2009.

Trong bức thư gửi NXB Tri Thức, nhóm tác giả bộ sách (mang tên là nhóm CÁNH BUỒM) nói rằng trước “cơn đại khủng hoảng” của nền giáo dục Việt Nam có quá nhiều những lời phê phán. Nhưng họ đã quyết định không phê phán, mà “làm một điều tích cực để chống tiêu cực” là biên soạn mới, bắt đầu từ lớp Một. Qua bộ sách họ sẽ đưa tới mọi người những thông điệp cụ thể về Cải cách Giáo dục của mình.

Ngoài những môn học kể trên, trong bộ sách lớp Một này không có bản thảo sách Toán, vì nhóm tác giả cho rằng cứ dùng bộ sách Toán của GS Hồ Ngọc Đại là đủ. Ý kiến ấy gợi nhớ về tâm sự của GS Ngô Bảo Châu với TTXVN tại Ấn Độ ngay sau phút nhận giải thưởng Fields: “Người thầy đầu tiên mà tôi muốn nói tới là thầy Hồ Ngọc Đại, mặc dù ông không dạy tôi môn Toán, song ông đã có ảnh hưởng tới cách tiếp cận cuộc sống và hình thành nhân cách của tôi…”.
Nhiều phụ huynh còn nhớ, chương trình và phương pháp giảng dạy mà Ngô Bảo Châu nhắc đến ấy đã tồn tại trong hệ thống trường thực nghiệm nhiều năm, kể từ năm 1978-1979, cho đến khi nó bị ngừng hoạt động cách đây vài năm. Việc ngừng hoạt động này được nói là tạo nên sự thống nhất về SGK và phương pháp giảng dạy trong hệ thống giáo dục.

Điều đáng chú ý là dù Luật Giáo dục không nói rằng chỉ có một bộ sách, song lại ghi rất rõ quyền thẩm định, cho phép áp dụng các loại chương trình, SGK thuộc về Bộ GD&ĐT. Vì thế những phương pháp, giáo trình khác thật khó “len” vào hệ thống giáo dục hiện hành vì một lẽ đơn giản: Bộ khép kín từ khâu biên soạn đến xuất bản, phát hành và áp dụng SGK.
Nhóm CÁNH BUỒM có tâm sự rằng “những cuốn SGK được biên soạn tiếp theo bộ sách của chúng tôi chắc chắn sẽ phải vượt hơn kẻ đi trước khiêm nhường này” thật đáng trân trọng, bởi “điều đó chỉ có lợi cho xã hội, cho dân tộc Việt Nam”.

Theo Blog NB Phan Lợi

6 bình luận to “Chào lớp một – Bút Lông”

  1. QuocHung said

    Giáo sư Hồ Ngọc Đại:

    Trong giáo dục, dùng quyền lực là tối kỵ

    TPO – Giáo sư Hồ Ngọc Đại, cha đẻ của mô hình giáo dục thực nghiệm, người từng từ chối chức vụ Thứ trưởng Bộ Giáo dục để về dạy học sinh tiểu học cho rằng, trong giáo dục, áp đặt, cưỡng bức là điều tối kỵ.

    Giáo sư Hồ Ngọc Đại

    Trong cuộc trao đổi với PV Tiền Phong, Giáo sư Hồ Ngọc Đại cho rằng, nền giáo dục hiện nay rất hỗn tạp. “Có thể hình dung nền giáo dục như thế này: Người ta ghép tất cả những gì đẹp nhất của mỗi thứ và tưởng đó là con người hiện đại, toàn diện. Nhưng không phải. Con công có bộ lông đuôi đẹp nhưng bộ lông đuôi đó chỉ khoác lên con công mới đẹp chứ nếu khoác bộ lông ấy lên con gà thì lại thành ra một con vật kỳ quái. Điều này cho thấy tư duy giáo dục không đến đầu đến đũa của những người làm giáo dục”- ông nói.

    Nền tảng 5% cho 100%

    Theo dõi toàn bộ quá trình phát triển của nền giáo dục hiện đại, Giáo sư thấy tình trạng này bắt đầu từ khi nào?

    Bắt đầu từ những năm 60 của thế kỷ trước, khi chúng ta bắt đầu chuẩn bị cuộc cải cách giáo dục. Thời điểm đó, người ta muốn thay thế nền giáo dục bằng một nền giáo dục khác với đầy ảo tưởng. Hồi đó Thủ tướng Phạm Văn Đồng mời tôi đến hỏi về cuộc cải cách giáo dục như thế nào. Tôi trả lời ngay: “Sẽ thất bại”.

    Tôi nêu lý do: Đề án cải cách giáo dục này viết cho 20 năm, trong điều kiện chiến tranh (từ đầu những năm 60 đến cuối những năm 70). Bây giờ chúng ta phải chuẩn bị cho nền giáo dục của hoà bình. Trong khi đó, không có một chữ nào đề cập đến lớp thanh niên vừa từ chiến trường trở về. Tư duy cũ không tính đến cái “bình” trong thời bình mà chỉ “nống” những cái cũ lên, và tưởng nó đúng. Cái nhà 5 gian 2 chái, cơi nới thành nhà 7 tầng thì ta hình dung nó thế nào?

    Cái “bình” đó là gì?

    Cho đến nay, nền giáo dục chúng ta vẫn là nền giáo dục cũ, hay nói cụ thể hơn là nền giáo dục cho 5% dân cư. Do đó, giáo dục gây cảm giác là cao sang, xa vời. Đi học là để leo lên tầng lớp khác. Bây giờ 100% dân cư đi học, họ lại đem cái nền giáo dục phục vụ 5% để phân phát cho 100%. Vì vậy, phải chuyển nền tảng giáo dục cho 5% dân cư sang nền giáo dục cho 100% dân cư.

    Chiến lược về nền giáo dục hiện đại dông dài, ly kỳ, khó hiểu. Thật ra, Đảng, Nhà nước cần lo 4 chữ: Ai cũng được học. Chúng tôi, những nhà chuyên môn lo 4 chữ: Ai cũng học được. Được học nhưng học không được thì học làm gì. Những chữ của tôi có nghĩa “học gì được nấy, học đâu ra đấy”. Học như ăn cơm, uống nước, hít thở không khí hằng ngày. Người ta nói học để chuẩn bị cho tương lai, còn khẩu hiệu của tôi là học để sống bình thường, ngay cuộc sống ngày hôm nay, vì hạnh phúc ngay ngày hôm nay.

    U mê quyền lực

    Điều gì khiến cho nền giáo dục chúng ta mãi vẫn chưa thoát khỏi tình trạng như Giáo sư vừa nói?

    Vì chúng ta chưa ra khỏi u mê quyền lực. Ở ta, cứ quan là phải hơn dân. Nhưng trên thực tế, quan chắc gì đã bằng dân? Phải hiểu rằng, trong giáo dục không bao giờ nên dùng quyền lực. Có thể nói, đây là lĩnh vực tối kỵ về quyền lực.

    U mê quyền lực, theo Giáo sư, là gì?

    Đó là mọi sự đều được áp đặt. Thầy bắt trò phải theo cái có sẵn của mình. Tôi cũng đưa ra cho học trò cái có sẵn, nhưng tôi không bắt học trò chấp nhận cái có sẵn đó. Nền giáo dục hiện nay tôi ví như cái cày chìa vôi (cày trâu kéo), còn nền giáo dục của tôi như cái máy cày.

    Giáo sư có đề cập đến khái niệm “tư duy dự án” trong giáo dục…

    Tư duy đó là tư duy giải ngân, không vì lợi ích cơ bản của trẻ em. Trẻ em rất nhạy cảm, người lớn chỉ làm cái gì không vì lợi ích của chúng, chúng sẽ mất lòng tin ngay. Không đánh lừa được trẻ em đâu. Chúng ta đang đánh mất lòng tin đối với lứa học sinh nhỏ tuổi. Mà mất lòng tin là mất tất cả.

    Vậy cuộc cách mạng trong giáo dục nên bắt đầu từ khâu nào để tạo bước đột phá?

    “Phải hiểu rằng, trong giáo dục không bao giờ nên dùng quyền lực. Có thể nói, đây là lĩnh vực tối kỵ về áp đặt, cưỡng bức”
    Nên làm từ đầu. Nhưng chọn lớp 1 và đại học. Vì sao lại chọn lớp 1 và đại học? Vì 2 đối tượng này tương đối độc lập. Tôi đưa ra 2 khẩu hiệu đơn giản: Tiểu học thuần Việt, đại học phải hội nhập. Tiểu học là cơ hội cuối cùng để giữ bản sắc dân tộc và là cơ hội đầu tiên tiếp cận với nền văn minh hiện đại. Ở lớp 1, khoa học xã hội là của Việt Nam, khoa học tự nhiên nên “nhập khẩu” của thế giới.

    Mỗi năm có 2 triệu trẻ bước vào lớp 1. Tức là có 4 triệu cha mẹ và có thêm hàng chục triệu người thân, từ anh chị em, ông bà cô dì chú bác nội ngoại. Nếu nhà trường dạy tốt, cả ba họ đứa trẻ hạnh phúc. Gia đình yên ấm thì xã hội mới yên lành.

    Có vẻ điều Giáo sư đang nói chỉ chú trọng vào chuyên môn, trong khi còn bao nhiêu yếu tố ảnh hưởng đến giáo dục, từ đội ngũ thầy cô giáo, cơ sở vật chất, đạo đức trong nhà trường…?

    Có đến đâu ta làm đến đó, không nên ảo tưởng. Từ xưa đến nay chúng ta đã “nống” vấn đề lên, đầy ảo tưởng. Chương trình dạy tiếng Việt, dạy Toán lớp 1 của tôi không tốn một xu, trong khi các dự án cải cách giáo dục tốn không biết bao nhiêu tiền. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý phải có cái lõi mới làm được. Cái lõi ấy là chuyên môn. Phải có chuyên môn mới làm được.

    Từ chối làm thứ trưởng

    Nghe nói Giáo sư từng từ chối chức thứ trưởng Bộ Giáo dục?

    Đầu những năm 80, anh Bùi Thanh Khiết, hồi đó là Trưởng ban Khoa giáo T.Ư có ý mời tôi làm Thứ trưởng Giáo dục. Tôi nói với anh Khiết: “Làm thứ trưởng ở đất nước này giỏi hơn tôi không hàng nghìn thì cũng hàng trăm. Nhưng làm việc tôi đang làm thì không mấy người giỏi hơn”. Ông Tố Hữu cũng từng thuyết phục tôi giữ chức vụ này. Sau đó, tôi đề xuất Phạm Minh Hạc nhận chức vụ định giao cho tôi.

    Một ngày tháng 10-1990, tôi đi làm về chừng 5 giờ chiều, người nhà nói bác Sáu Thọ (ông Lê Đức Thọ – Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức T.Ư) đang ở trong Bệnh viện 108, rất muốn gặp tôi. Bác Thọ nhắc lại: “Hồi ấy đang là thời điểm giữa 2 kỳ đại hội, cháu phải ngồi chờ ở ghế thứ trưởng. Sau đó, cháu sẽ vào Trung ương rồi Bộ trưởng Giáo dục hoặc Thị trưởng Hà Nội”. Tôi trả lời ngay: “Cả hai việc đó cháu đều không làm và có nhiều người làm tốt hơn cháu. Cứ để cháu làm công việc chuyên môn hiện tại”.

    Bấy giờ bác Thọ nói với tôi: “Cả đời bác làm công tác tổ chức Đảng. Cháu là người duy nhất bác không thuyết phục nổi, nhưng cháu cũng sai”. Rồi cụ mất không lâu sau đó. Và tôi vẫn làm công việc giáo dục tiểu học cho đến bây giờ.

    Mô hình thực nghiệm của Giáo sư phát triển như thế nào?

    Đã có lúc mô hình này có mặt ở 43 tỉnh, thành phố. Mô hình này được các thế hệ lãnh đạo ngành giáo dục trước đây ủng hộ. Nhưng hiện nay, mô hình coi như bị phủ nhận.

    Vậy nguyên tắc mô hình giáo dục thực nghiệm của Giáo sư là gì?

    Đó là thầy không giảng, trò không cần cố gắng. Mới nghe, nguyên tắc này rất khó chấp nhận. Không giảng nghĩa là không áp đặt ý chủ quan của người thầy. Ngay từ lớp 1, trẻ đã phải tự học. Trẻ em học mà không cần cho điểm, đánh giá bởi người khác, không cần ganh đua hơn kém nhau, mà từng em thi đua với chính bản thân mình.

    Muốn có được cuộc “thi đua” thực sự lành mạnh đó, người thầy phải hiểu biết trẻ em. Trẻ phải cảm nhận đi học là hạnh phúc. Chúng được học trong môi trường mà từng cá nhân được tôn trọng. Cho nên, những lứa học sinh qua đào tạo theo mô hình thực nghiệm rất có nhân cách, tự tin trong cuộc sống.

    Nguồn: http://www.baomoi.com/Home/GiaoDuc/www.tienphong.vn/Trong-giao-duc-dung-quyen-luc-la-toi-ky/4929299.epi

  2. 5 Nguyen said

    Cải cách giáo dục nhìn từ nhóm Cánh Buồm: Phải cải cách… người lớn! – Đoan Trang

    Quan niệm giáo dục của nhóm Cánh Buồm rất đơn giản: Nghệ thuật giảng dạy là nghệ thuật tổ chức sự tự học.

    Việc một nhóm làm sách độc lập cho ra mắt bộ sách giáo khoa lớp 1 theo phương pháp giáo dục hiện đại được nhiều người xem như dấu hiệu mở đầu cho một nỗ lực cải cách giáo dục toàn diện, bắt đầu từ bậc phổ thông cơ sở. Mối băn khoăn lớn là liệu nó có “làm được gì” hay không khi mà hàng chục năm qua, nền giáo dục Việt Nam đã trải qua không biết bao nhiêu cuộc cải cách không đi về đâu.
    Hào hứng và sáng tạo

    Một buổi học ở Trường Tiểu học dân lập Nguyễn Văn Huyên (Hà Nội), nơi các thành viên của nhóm “giáo dục hiện đại” Cánh Buồm tiến hành dạy thử nghiệm. Cô giáo nói: “Cô muốn có một bình hoa ở đây, các em đi kiếm hoa về cho cô nhé”. Học trò nhấp nhổm. Cô tiếp tục: “Nhưng các em cứ ngồi yên đây, nhé, đừng đi đâu cả. Nào, nhắm mắt lại nào, nghe cô nói nhiệm vụ này: Bây giờ các em nghĩ là mình đang đi tìm hoa cho cô. Các em đi, đi, đi đâu, gặp ai, làm gì để có được một bó hoa thì về kể lại cho cô nào”.

    Các học trò nhí sẽ lần lượt kể những gì mình đã “gặp” và “làm” để kiếm một bó hoa cho cô. Em thì ra cổng trường gặp chú bảo vệ, xin chú bình hoa. Em thì về nhà hái hoa ở vườn. Em khác ra bờ suối kiếm vài bông hoa dại. Cô giáo lắng nghe, khen ngợi các em đã làm tốt, đã “làm việc ở trong đầu” và “ta gọi như thế là tưởng tượng”.

    Đó là một tiết học văn lớp 1 về chủ đề “Tưởng tượng” dù với hệ thống SGK chuẩn hiện nay của Bộ GD&ĐT, phải đến lớp 10 học sinh mới được học về “tưởng tượng” và “liên tưởng”… Cách dạy của Cánh Buồm nhất quán là: Tổ chức các việc làm của học sinh để các em tự mình tìm đến các khái niệm, tự mình tạo ra những kỹ năng cần thiết. Tóm lại, đó là cách hướng dẫn học sinh học thông qua làm, học một cách chủ động thông qua hành vi.

    Từ một “làn gió lạ”

    Phương pháp dạy và học theo hướng tổ chức tự học, phát huy tính chủ động của học sinh không phải là điều chưa từng có ở Việt Nam. TS Nguyễn Thành Nam, thành viên nhóm Cánh Buồm nói: “Con đường nhóm đang đi , GS Hồ Ngọc Đại đã vạch ra từ hơn 30 năm trước với khẩu hiệu “Đi học là hạnh phúc”. Ông mong muốn trẻ em Việt Nam được “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, mà để có thể vui, hạnh phúc thì học sinh phải tự học có kết quả”. Năm 1978, hệ thống trường thực nghiệm phổ thông, “con đẻ” của GS Hồ Ngọc Đại, ra đời và hoạt động tại 43 tỉnh, thành trong cả nước. Với phương pháp giáo dục khuyến khích triệt để sự tự do sáng tạo của học sinh, nhiều nội dung giảng dạy của trường giống như một “làn gió lạ” trong hệ thống. Người viết bài này từng chứng kiến một đề bài tập làm văn ở Trường Thực nghiệm Giảng Võ cách đây nhiều năm: Tưởng tượng trên đường về nhà, em nhặt được một em bé bọc tã bị bỏ rơi ở góc công viên. Em hãy kể lại câu chuyện đó.

    ông Đại vận động mở Viện Công nghệ giáo dục: “Tôi còn sức còn làm tiếp những việc dang dở, rồi phải tìm một mảnh đất mới để mở trường thực nghiệm mới…”. Ông huy động được một nhóm khoảng 20 giáo viên, sinh viên sư phạm vừa tốt nghiệp (và cả đang thất nghiệp) làm thành một lớp, nhờ nhà giáo Phạm Toàn đào tạo, hướng dẫn về phương pháp dạy tiểu học, tâm lý học giáo dục v.v… Đó là vào mùa hè năm 2008.

    Tiếc rằng khi “khóa đào tạo” kết thúc, GS Hồ Ngọc Đại cũng không có cách nào tuyển được các học viên vào viện nghiên cứu của mình. “Viện không có quy chế hoạt động, không có kế hoạch, không có ngân sách, không có tiền, tóm lại không có gì cả” – nhà giáo Phạm Toàn nhớ lại. Nghĩ tiếc cho các học viên – những nhà sư phạm trẻ tuổi, nhiệt tình, yêu công việc dạy học – lại nghĩ “bây giờ nếu mình không làm thì ai làm”, ông quyết định huy động các bạn trẻ (người lớn tuổi nhất sinh năm 1984) vào công cuộc nghiên cứu giáo dục hiện đại, cải cách giáo dục ở Việt Nam.

    “Sở dĩ tôi nói nếu ông Hồ Ngọc Đại hay tôi mà không bắt tay vào giáo dục tiểu học thì sẽ không ai làm là vì giáo dục tiểu học quá khó, người ta không đủ trình độ và không đủ cả tấm lòng để theo đuổi” – nhà giáo Phạm Toàn nói.

    “Bây giờ, nếu ở trong guồng máy giáo dục và biết cách “xoay” thì động vào dự án gì cũng hái ra tiền, kiếm chỗ nào cũng ra tiền tỉ chứ không phải triệu đâu. Ai hơi đâu dính vào những công việc vừa khó khăn, phiêu lưu, vừa… miễn phí”.
    Suốt hai năm trời, từ mùa hè 2008 tới tháng 7-2010, khi nhóm Cánh Buồm chính thức ra mắt với website “Giáo dục hiện đại”, họ đã chỉ làm việc dựa vào lòng yêu nghề, yêu trẻ. Các thành viên, ngoài công việc dạy học thường ngày, đã cùng nghiên cứu, thử nghiệm mà kết quả gần đây là một dự thảo đề án cải cách giáo dục và bộ sách giáo khoa lớp 1.

    Để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”

    Quan niệm giáo dục của nhóm Cánh Buồm rất đơn giản: Nghệ thuật giảng dạy là nghệ thuật tổ chức sự tự học. Với một tiết học về tưởng tượng như trên, tất cả học sinh đều sẽ “làm việc từ trong óc”. Ông Phạm Toàn nói: “Khi ta không cho học sinh làm việc thì các em sẽ nghịch, lúc đó ta đừng bảo các em là hư, cá biệt, chỉ thích ngó ngoáy nói chuyện riêng…”.

    Thay cho môn đạo đức, bộ SGK của Cánh Buồm đưa ra môn lối sống với một chương trình xuyên suốt tám năm:
    Lớp 1: Tập sống đồng thuận, biết tự phục vụ.
    Lớp 2: Biết phục vụ, hợp tác với người khác (ví dụ: xếp hàng).
    Lớp 3: Học về gia đình, cha mẹ, quyền trẻ em.
    Lớp 4: Tổ quốc (từ cấp này, học sinh bắt đầu được dạy lịch sử và địa lý).
    Lớp 5: Nhân loại (tìm hiểu về Liên Hiệp Quốc, nhân quyền)…

    Nhóm Cánh Buồm dự định sẽ viết mới toàn bộ sách giáo khoa cho tám năm học phổ thông, song song với đó, xây dựng đề án cải cách giáo dục và cố gắng mở một trường thực nghiệm…

    Trong quá trình viết sách, nhóm cũng đã phải vất vả tìm kiếm nơi để thực nghiệm. Họ cho biết đã tiếp xúc với nhiều trường tiểu học, “trường nào cũng sợ”. Có vị hiệu trưởng còn bảo: “Chúng tôi không thể làm việc với các anh chị vì chúng tôi đang vinh dự được thực hiện Nghị quyết số 05 của Thành ủy, đưa trường tôi thành một trường đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh từ lớp 6” (?). Cuối cùng, Trường tư thục Nguyễn Văn Huyên đón nhận nhóm nhưng theo hướng “lách”, tức là chương trình của Bộ GD&ĐT không dạy môn văn và khoa học công nghệ thì nhóm sẽ dạy, ngoài ra còn thêm tiếng Anh. Cả hiệu trưởng, giáo viên lẫn các học sinh ở trường đều thích cách dạy của nhóm.

    Ngày 27-9, năm quyển đầu tiên trong bộ sách giáo khoa lớp 1 của Cánh Buồm đã ra mắt và thu hút sự chú ý đặc biệt của các bậc cha mẹ học sinh. Rất nhiều người hy vọng “cải cách bắt đầu từ đây” dù mối băn khoăn lớn là bộ sách chưa được Bộ GD&ĐT thẩm định và công nhận để sử dụng chính thức trong nhà trường.

    Về vấn đề này, nhóm tác giả nhiều lần tuyên bố: “Chúng tôi không cạnh tranh với ai cả. Chúng tôi chỉ xin trình ra trước xã hội một cái mẫu về sách giáo khoa, để giáo viên nào, bậc cha mẹ nào thấy nó đúng thì tự thực hiện, tự tạo ra một cuộc cải cách giáo dục để cứu con em mình. Xã hội sẽ là người thẩm định”.

    Nhà giáo Phạm Toàn tha thiết: “Cuộc cải cách giáo dục đi theo chúng tôi xin hãy vượt chúng tôi – chúng tôi xin xung phong làm vài ba hòn đá nhỏ độn đường cho nghiệp lớn của dân tộc”. Và nhà sư phạm 78 tuổi bày tỏ: “Tôi hy vọng tôi còn được sống đủ để viết nốt bộ sách giáo khoa của tám năm phổ thông. Nhưng tôi phải giả định là tôi không sống được nhiều nữa nên bây giờ tôi hy vọng và tin tưởng vào những người tiếp nối. Cái khó nhất là phải dạy lại người lớn. Để cải cách giáo dục thì phải cải tạo chính người lớn: người làm chính sách, người làm sư phạm, người soạn sách, người đứng lớp”.

    ĐOAN TRANG
    http://phapluattp.vn/

  3. 5 Nguyên said

    Báo TTO thu thập ý kiến

    1. Quan trọng là rèn kỹ năng cho trẻ

    Đọc thông tin về bộ sách giáo khoa Chào lớp một!, tôi thật sự đồng cảm và thầm biết ơn những người đã biên soạn bộ sách này. Trước hết, đó là sự táo bạo về ý tưởng, sự nóng lòng muốn có những đột phá trong giáo dục và là tâm huyết dành cho sự đổi mới giáo dục. Nếu học sinh lớp 1 được đến trường theo đúng tiêu chí “mỗi ngày đến trường là hạnh phúc” như của nhóm tác giả thì không còn gì bằng. Vì vậy, cần ủng hộ những cách làm trên và mạnh dạn xem xét, cải thiện phù hợp với thực tế.

    Hiện tại, bộ sách lớp 1 nói riêng và các khối lớp khác vẫn còn quá hàn lâm từ nội dung đến đề mục, tên sách. Giáo viên dạy phải dựa theo sách nên dần khô cứng. Tính ứng dụng của sách đang sử dụng chưa cao. Ví dụ ở môn đạo đức, hằng ngày các em trả bài thuộc lòng, tức là chỉ nhớ mà không thực hiện.

    Ngược lại, ở môn lối sống mà nhóm tác giả đưa ra, chỉ riêng hai chữ “lối sống” chân phương đã thể hiện được tính ứng dụng, tính thực tế. Bởi lối sống bắt nguồn từ cách biểu hiện, từ đó sẽ trở thành hành vi, hành vi lặp lại sẽ thành thói quen. Trẻ sẽ dễ thích nghi với bài học và tích lũy vốn sống cho mình.

    Lớp 1 là môi trường xã hội đầu tiên của trẻ. Phụ huynh chỉ mong mỏi trẻ biết chào hỏi lễ phép và ứng xử đúng đắn trong những tình huống cụ thể. Về kiến thức sách vở, chỉ cần trẻ biết nhận diện mặt chữ và đếm số là đủ. Dạy kiến thức cho trẻ thì dễ, rèn cho trẻ kỹ năng mới là quan trọng.

    Dương Thu Trang(giáo viên, TP.HCM)

    2. Hi vọng lãnh đạo ủng hộ

    Là giáo viên tiểu học đang dạy khối lớp 1, tôi rất đồng tình với công trình nghiên cứu của nhóm tác giả Cánh Buồm, dù chưa được đọc qua bộ sách do nhóm thực hiện. Giáo viên tiểu học hiện nay dạy quá nhiều môn, riêng khối lớp 1 đã phải học chín môn, từ tiếng Việt, toán, nhạc, họa đến thủ công… Giáo viên vừa là họa sĩ, nhạc sĩ, vận động viên thể dục, công việc rất nặng nề. Vì vậy, các giáo viên thường nói với nhau: chỉ ước sao cho lớp mình dạy còn 30 em/lớp và chương trình học thật nhẹ nhàng.

    Đọc báo về bộ sách Chào lớp một!, tôi liên tưởng đến một môi trường học tập trong mơ: học sinh được vừa chơi vừa học, không chỉ ngồi hoàn toàn trong lớp mà được dịch chuyển thoải mái, được học thực hành nhiều hơn lý thuyết. Các em cũng không phải đi học thêm để theo kịp bài vở trên lớp. Những bộ bàn ghế trong lớp học được thiết kế nhẹ nhàng để dễ di chuyển, chia nhóm và tổ chức các hoạt động thú vị. Cứ nhìn vào một lớp học hiện nay, học sinh phải ngồi nghiêm chỉnh đúng tư thế, phải giơ tay và phát biểu

    trong kỷ luật, tôi nghĩ cứ để các em được hoạt náo, thể hiện đúng bản chất độ tuổi của mình thì đã sao. Hi vọng các nhà lãnh đạo ủng hộ cái mới, nhất là khi cái mới có tác động hết sức tích cực đến các em thiếu nhi.

    Đ.T. (giáo viên, TP.HCM)

    3. Hãy để các em được bay bổng sáng tạo

    Đây là hình thức học hay nhất mà các trường quốc tế đang hướng tới. Từ trước đến nay, VN đang đi theo lối mòn là học lý thuyết nhiều hơn thực hành. Bởi vậy không ít học sinh sinh viên thụ động không dám đưa lý thuyết vào thực tiễn đời sống. Học giáo dục công dân phải chính bản thân các em trải nghiệm bằng những mẩu chuyện thực tế hay giả cảnh thì các em mới thấu hiểu, nhận thức hết được cái hay cái tốt. Rất mong sách sớm xuất bản để giảm tải áp lực học tập cho các em thiếu nhi. Hãy để cho tuổi thơ của các em được bay bổng sáng tạo.

    La Tấn Nguyên (latannguyen@…)

    4. Cái đe là cái gì?

    “Đi học là hạnh phúc” không phải là một triết lý giáo dục mới mẻ mà thật ra nó là tâm nguyện của hầu hết các bậc làm cha làm mẹ. Chúng tôi luôn mong muốn con mình vào lớp 1 và hoàn thành những bậc học tiếp theo bằng niềm vui thích trong học hành: khám phá những điều mới mẻ, tìm được câu trả lời cho những câu hỏi “tại sao…?” của mình. Nhìn vào giáo trình của chúng ta hiện nay, tôi thật sự buồn và thất vọng. Đọc bài báo này tôi le lói một tia hi vọng rằng năm sau khi con tôi vào lớp 1, cháu (may mắn) được tiếp cận với bộ sách giáo khoa này.

    Nhưng phản hồi của một quan chức Bộ Giáo dục – đào tạo và phó viện trưởng Viện Khoa học giáo dục như bài báo đưa tin quả thật làm tôi thất vọng.

    Nếu bộ có những tiêu chuẩn nhất định về kiến thức cho học sinh tiểu học như phải biết làm toán mấy con số, phải biết làm bài văn tả cảnh… thì cứ tổ chức kỳ thi tiểu học đi, còn chọn giáo trình nào thì hãy để cho sở giáo dục – đào tạo các tỉnh thành, thậm chí các trường tự chọn.

    Tôi mở cuốn Vở bài tập tiếng Việt 1, tập 1 của Nhà xuất bản Giáo Dục ấn hành cho năm học 2010-2011, trang 2, bài 1, học về chữ e. Tôi mang đi hỏi cả chục phụ huynh về năm hình vẽ xung quanh chữ e, có một hình vẽ giữa bụi tre và cái xe đạp, tất cả phụ huynh đó đều không biết là hình gì. Cuối cùng tôi hỏi mẹ tôi (bà trên 60 tuổi), bà bảo đó là cái đe. Trời ạ, tôi (35 tuổi) và các phụ huynh khác cùng lứa tuổi với tôi, có ít nhất một bằng đại học còn không biết thì làm sao đứa trẻ 6 tuổi biết. Cái đe không phổ biến, thậm chí đã biến mất khỏi cuộc sống ở nhiều địa phương, tại sao lại đưa vào giáo trình lớp 1. Nếu bộ làm một cuộc khảo sát, tôi tin hầu hết chúng tôi sẽ chọn giáo trình của nhóm Cánh Buồm. Sao bộ không nhanh chóng vào cuộc đi. Chúng tôi còn phải đợi đến bao giờ nữa về một sự cải cách hiệu quả trong giáo dục?

    Phạm Thị Hải Thi (haithi75@…)

  4. ĐBVA said

    Quốc Hùng thân mến, hôm trước có viết vài dòng gọi là làm quen, nhưng có lẽ dùng từ không ” chuẩn ” lắm nên thôi bỏ qua đi, có gì không hài lòng thì sorry vậy. Phần tôi nói là rất thích vấn đề GD, hôm nào rảnh mình nói chơi về nó ( có lẻ cũng không đúng nữa???) Một vấn đề rất quan trọng mà bảo nói chơi, ai nghe mà không ” bức xúc” thật ra, ý tôi hoàn toàn vô tư khi sử dụng những chữ trên, bởi lẽ tôi nghĩ là mình nói chuyện bên lề thôi, nói chuyện với một người bạn cũ, lâu ngày không gặp ( cũng như tâm sự cùng chị V. Khanh vậy mà, nghĩ sao nói vậy, không cần trau chuốt, không cần động não nhiều )bởi vì đã từ lâu, tôi không lao động bằng trí óc, nó đã hao mòn và ” bị đông lạnh” mất rồi Vả lại, sau khi đọc các ý kiến càng thấy mình lạc hậu hơn, do đó xin lổi nha ở vấn đề nầy. Thân

    • QuocHung said

      “Nô sờ ta que”.
      Đâu có gì đâu cô, tại vì gia đình QH toàn là “giáo chức” không, lại nữa năm 1976 chút xíu nữa là QH cũng gia nhập ngành “dứt cháo” rồi nên có để ý đến nó chút và sưu tầm mấy bài lưu trữ, để khi cần thì xem lại cho tiện.

      Bây giờ anh chị hai, anh chị ba đã nghỉ hưu, Thuý Nga nghỉ dạy từ năm 2000 (?), còn Thúy Hoa nghỉ từ lúc đang học Khoá 1 Sư phạm Long Xuyên (1977 ?), nên bây giờ là “mất … dạy” hết rồi.
      Ý quên còn 7Hùng chồng Thúy Hoa đang còn dạy ở ĐH An Giang chớ!

  5. Thank you a bunch for sharing this with all of us you really understand
    what you are speaking about! Bookmarked. Kindly additionally talk over with my website =).

    We could have a link exchange contract between us

Bình luận về bài viết này